Trà Xanh Thái Nguyên – Đệ Nhất Danh Trà Việt Nam
Khi nhắc tới trà xanh hay trà bắc thì chắc chắn rằng ở Việt Nam không dòng trà nào nổi tiếng bằng trà xanh Thái Nguyên, nó chứa đựng tất cả những gì cần phải có ở một loại trà xanh, nước trà xanh như ngọc, hương trà thơm nồng, vị trà đậm đà lưu luyến. Trong bài viết này Blog trà thái nguyên sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan nhất về loại trà đặc biệt này.
1. Trà Thái Nguyên là gì?
Hiểu đơn giản thì đây là từ dùng để chỉ những loại trà xanh có xuất xứ từ Tỉnh Thái Nguyên, nhưng thực tế không phải loại trà xanh nào từ các vùng trà của tỉnh Thái Nguyên cũng có chất lượng đạt được như sự mong muốn của những người tìm kiếm loại trà này, chỉ có một vùng trà thực sự đã làm nên tên tuổi của trà xanh Thái Nguyên đó là vùng trà Tân Cương.
Tân Cương chỉ cung cấp một phần nhỏ vào tổng sản lượng trà của cả tỉnh, tuy nhiên về chất lượng cũng như giá trị thương mại thì trà nơi đây luôn được xếp vào Top đầu. Trà Tân Cương trở thành một đặc sản mà bất cứ ai, dù là có phải là người mê trà hay không cũng phải thử qua. Trà Tân Cương tốt đến nổi nhiều vị khách thử qua đều nói rằng trà này chắc phải bỏ phẩm màu nên nước trà mới đẹp vậy, vị trà ngon vậy, béo vậy chắc là có trộn mì chính.
Mua sản phẩm: Trà Tân Cương
2. Lịch sử & nguồn gốc trà Thái Nguyên
Theo chỉ dẫn địa lý được đăng ký vào tháng 10 năm 2007 thì vùng trà Tân Cương bao gồm 3 xã Tân Cương, Phúc Trìu và Phúc Xuân. Khu vực này nằm cách Tp. Thái Nguyên hơn 15km về phía Tây.
Theo những người dân nơi đây kể lại thì vùng Tân Cương không phải là nơi đầu tiên trồng trà ở Việt Nam hay thậm chí ở Thái Nguyên. Cách đây gần trăm năm thì vùng núi bán sơn địa này là khu vực hoang vu, hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Nhờ có ông Đội Năm là người tiên phong đi lấy giống trà ở Phú Thọ về trồng mới giúp bà con có cái nghề, cái nghiệp để cải thiện cuộc sống.
(Video chia sẻ về nguồn gốc trà Tân Cương Thái Nguyên. Nguồn youtube: Lộc Tân Cương)
Về sau việc trồng trọt và sản xuất trà của vùng Tân Cương ngày càng phát triển, trà của ông Đội Năm khi mang đi đấu xảo đã dành được rất nhiều chiến thắng và được các thương lái người Ấn Độ để ý. Từ đó vùng trà Tân Cương cứ lớn dần, mạnh dần và tạo nên thương hiệu cho trà xanh Thái Nguyên như ngày nay.
3. Các yếu tố làm nên Đệ nhất danh trà Thái Nguyên?
Không phải ngẫu nhiên mà trà Tân Cương hay trà xanh Thái Nguyên lại có một hương vị và chất lượng vượt trội hơn trà xanh ở những nơi khác, đó là nhờ điều kiện thổ nhưỡng nơi đây vô cùng đặc biệt. Cây trà khi trồng ở Tân Cương Thái Nguyên sẽ cho ra loại nguyên liệu để làm trà Thái Nguyên hảo hạng, nhưng khi mang chính giống trà đó đi nơi khác thì chất trà lại khác hẳn.
3.1 Điều kiện tự nhiên
Thái Nguyên có địa hình đặc trưng là đồi núi xen kẽ với ruộng thấp, chủ yếu là núi đá vôi và đồi dạng bát úp. Khí hậu nơi đây là khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, được chia làm bốn mùa rõ rệt: xuân – hạ – thu – đông. Những điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây trà xanh phát triển, đặc biệt vào mùa xuân và thu đây là 2 vụ mà trà Thái Nguyên ngon nhất, thơm nhất.
Khi phân tích sâu hơn về thành phần có trong lá trà người ta thấy rằng hàm lượng sucrose trong lá chè có ảnh hưởng tới hương thơm, độ ngậy của trà thành phẩm. Khi so sánh các mẫu trà và đất từ nhiều nơi khác nhau các nhà nghiên cứu nhận thấy chất đất ở Tân Cương Thái Nguyên có khả năng tạo ra những nguyên liệu làm trà có hương vị thơm và ngậy hơn so với những vùng khác.
3.2 Về phương thức sản xuất
Với kinh nghiệm sống với cây trà gần cả trăm năm, những người dân nơi đây đều có cho mình những kỹ thuật sản xuất trà riêng. Mọi khâu trong quá trình chế biến trà xanh Thái Nguyên đều được thực hiện một cách hoàn hảo để cho ra loại trà có chất lượng cao nhất. Đặc biệt khâu sao trà hay đánh hương là một trong những khâu quan trọng nhất, chỉ những người có kinh nghiệm, có đôi bàn tay điêu luyện và khéo léo mới có thể làm được.
4. Những điểm đặc trưng của trà Thái Nguyên
Như đã nói ở đầu bài viết, trà xanh Thái Nguyên chất lượng hội đủ những yếu tố cần có của một loại trà xanh.
- Cánh trà: đầy đặn, xoăn dài, nguyên vẹn không bị dập hay nát và có màu xanh sậm. Khi đưa lên mũi sẽ rất phản phất hương thơm của cốm non.
- Nước trà: xanh và trong, đặc biệt khi được rót ra những chiếc chén có lòng tráng men sẽ cho ra màu nước vô cùng đẹp.
- Bã trà sau khi pha: khi đổ bã trà ra bạn sẽ thấy được gần như hình dáng nguyên vẹn của một búp, một lá trà hoàn chỉnh, màu xanh sậm ban đầu của cánh trà khô cũng được thay thế bằng một màu xanh tươi hơn.
- Hương vị: nhấc chén trà lên ta sẽ cảm nhận được hương trà ấm nồng mùi cốm, nhấp một ngụm sẽ có vị chát đầu lưỡi, tiếp đến là cái ngọt hậu ở cổ họng và cuối cùng là cái vị ngầy ngậy lan tỏa khắp khoang miệng.
5. Quy trình Sản xuất trà Thái Nguyên
Tổng quan quá trình để sản xuất nên trà Thái Nguyên thì sẽ bao gồm cả việc lựa chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, tưới tiêu, thu hoạch và chế biến. Nhưng trong phạm vi bài viết này chúng ta chỉ sẽ tìm hiểu công đoạn thu hái và chế biến thành phẩm trà. Về cơ bản nó sẽ như sau:
- Thu Hái: vào sáng sớm hoặc chiều tối, lúc sương vừa tan thì bà con sẽ bắt đầu quá trình thu hái. Tùy vào phẩm trà muốn chế biến thì họ sẽ có những quy cách thu hái khác nhau, thông thường sẽ là 1 búp chè non hay còn gọi là tôm trà và một vài lá non kế phía dưới.
- Làm héo nhẹ: Trà xanh Thái Nguyên sau khi được thu hái về sẽ được trải ra sân có mái che, hoặc kho có lót để phơi và làm héo.
- Sao diệt men: Sau khi trà đã héo bớt, trở nên dai hơn thì sẽ được cho vào chảo gang lớn hoặc lò quay để tiến hành quá trình diệt men giúp chặn đứng quá trình oxy hóa.
- Vò, sàng tơi: Trà diệt men xong sẽ được cho ra vò bằng tay hoặc máy. Việc này giúp phá vỡ lớp biểu bì của trà, giúp chất trà thấm đều ra ngoài cánh trà, ngoại hình xoăn dài đặc trưng của trà xanh Thái Nguyên cũng từ đây mà ra.
- Sao khô: khi trà đã được vò và sàng tơi thì sẽ được tiếp tục cho lại lên chảo hoặc lò quay, sao cho đến khi nào trà khô hẳn và có mùi thơm. Đây là bước rất quan trọng, người làm trà phải canh thời gian và nhiệt độ giúp trà vừa khô tới, vừa dậy lên được hương thơm đặc trưng mà không bị cháy trà.
- Sàng lọc và đóng gói: ở những bước cuối cùng, trà xanh thái nguyên thành phẩm sẽ được sàng loại bỏ những trà vụn, trà cám, chỉ những cánh trà hoàn chỉnh nhất sẽ được đưa đi đóng gói.
6. Tác dụng của trà xanh Thái Nguyên
Ngoài hương vị thơm ngon thì trà xanh thái nguyên còn rất tốt cho sức khỏe. Để tìm hiểu kĩ càng hơn thì các bạn có thể tham khảo ở bài viết sau: “Thành Phần Dinh Dưỡng Và Tác Dụng Của Trà Thái Nguyên”. Còn sau đây là 10 tác dụng của Trà Thái Nguyên mình sẽ liệt kê cho các bạn:
- Hỗ trợ điều trị ung thư
- Hỗ trợ giảm cân
- Chống lão hóa da
- Hỗ trợ điều trị hôi miệng
- Cung cấp nhiều vitamin
- Tăng khả năng sinh sản
- Hỗ trợ lưu thông máu
- Giảm thiểu các bệnh về tim mạch
- Ngăn ngừa các bệnh viêm khớp
- Giảm stress
7. Cách pha trà Thái Nguyên
Bạn có thể pha và thưởng thức trà Thái Nguyên theo bất kì cách nào bạn muốn. Nhưng Blog trà Thái Nguyên muốn chia sẽ với các bạn cách pha và thưởng thức trà theo phong cách trà đạo qua video sau:
(Video pha trà đinh ngoc. Nguồn youtube: Lộc Tân Cương)
Ngoài ra bạn có thể tham khảo rõ hơn qua bài viết: “Cách Pha Trà Thái Nguyên Ngon“
Vừa rồi là những chia sẽ của mình về trà xanh Thái Nguyên, nếu các bạn gì thắc mắc hoặc muốn đóng góp ý kiến để mình hoàn thiện bài viết, cũng như chia sẽ kiến thức về trà đến với mọi người thì hãy bình luận ở bên dưới nhé. Rất cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết.